Có những cầu thủ mà ngay cả Johan Cruyff hay Franz Beckenbauer cũng luôn xem đó là thần tượng; còn Ronaldo, Raul, Ronaldinho luôn “nép mình” kính phục khi được diện kiến. Một trong số đó là Ferenc Puskas – huyền thoại bóng đá mới qua đời cuối tuần trước.

Puskas thời còn tung hoành trên sân cỏ.

Sinh ngày 2/4/1927 (mất 17/11/2006), Ferenc Puskas là một thiên tài vĩ đại trong lịch sử bóng đá thế giới. Có không ít người lầm tưởng ông chỉ vang danh khi gia nhập CLB Real Madrid, nhưng thực tế tên tuổi của huyền thoại này đã được biết đến khá rộng rãi từ khi còn thi đấu cho Honved Kispest – đội bóng giàu truyền thống nhất của Hungary.

Trong thập niên 50 thế kỷ trước, cùng với các đồng đội tài năng ở đội tuyển Hungary như Zoltán Czibor, Sándor Kocsis (hai cựu ngôi sao của Barcelona), József Bozsik và Nándor Hidegkuti, Ferenc Puskas (với tư cách thủ quân) đã tạo nên một “đế chế” hùng mạnh mà hiếm thế lực bóng đá tự cổ chí kim nào có thể sánh được.

Sau những biến động chính trị năm 1956 ở Hungary, ngôi sao có biệt danh “thiếu tá siêu tốc” đã chuyển tới sinh sống tại Tây Ban Nha. Và từ đây, Ferenc Puskas đã trở thành một phần vô cùng quan trọng của đế chế mới “ở đẳng cấp CLB” có tên Real Madrid – nơi ông được vinh danh cùng các ngôi sao sáng nhất như Di Stéfano, Gento, Kopa hay Santamaria.

Nổi tiếng với cú sút chân trái mạnh thần sầu và tốc độ cực nhanh, Puskas thực sự một “cỗ máy ghi bàn” hiếm thấy trong lịch sử bóng đá. Ông từng có 4 lần giành danh hiệu vua phá lưới giải vô địch Hungary, trong đó, riêng năm 1948, ông trở thành cầu thủ ghi bàn nhiều nhất châu Âu. Khi còn phục vụ cho Real Madrid, Puskas cũng có 4 lần đoạt giải thưởng Pichichi (vua phá lưới La Liga) và từng ghi 7 bàn thắng trong hai trận chung kết Cúp C1.

Sau khi giải nghệ cầu thủ đầy vinh quang, Puskas đã đạt được không ít thành công trong sự nghiệp HLV. Điển hình nhất là năm 1971, khi ông đưa CLB ít tiếng tăm Panathinaikos (của Hy Lạp) lọt vào trận chung kết Cúp C1. Chỉ tiếc rằng đối thủ cuối cùng lúc đó là Ajax đã quá mạnh với thế hệ Johan Cruyff.

Một huyền thoại bất tử của bóng đá Hungary và Đông Âu.

Ở Hungary ngày nay, để tưởng nhớ ông, một SVĐ nằm tại thủ đô Budapest đã mang tên Ferenc Puskas được 4 năm. Nhưng có lẽ không có giải thưởng nào xứng đáng với huyền thoại này hơn ngoài hai danh hiệu “cầu thủ vàng của bóng đá Hungary qua nửa thế kỷ” (trao tặng trong lễ kỷ niệm đặc biệt của UEFA năm 2003) và “cầu thủ xếp thứ 6 trong danh sách các ngôi sao bóng đá của mọi thời đại” (do liên đoàn thống kê và lịch sử bóng đá quốc tế – IFFHS – bình chọn).

Nguồn gốc của biệt danh “thiếu tá siêu tốc”

Puskás khởi nghiệp với tư cách cầu thủ trẻ của CLB Kispest – nơi cha ông làm HLV. Ban đầu, trước khi được ký hợp đồng chính thức vào năm 12 tuổi, huyền thoại này đã phải chơi dưới cái tên bí mật Miklós Kovács. Cùng gia nhập Kispest với Puskas còn có ban thân thủa nối khố József Bozsik – cầu thủ mà sau đó cũng trở thành một phần quan trọng của “đế chế bóng đá” Hungary.

Năm 1949, được bộ quốc phòng Hungary tiếp quản, AC Kispest trở thành đội bóng quân đội với cái tên mới là Honvéd Kispest. Vì các thành viên cũng được coi như một quân nhân nên chẳng mấy chốc nhờ thành tích đá bóng xuất sắc, Puskas được thăng hàm thiếu tá. Và biệt danh “thiếu tá siêu tốc” cũng ra đời từ đó.

Do có thể tuyển quân từ nguồn lính trẻ nhập ngũ, Honved tập hợp được vô số tài năng của bóng đá Hungary. Trong số này có cả hai ngôi sao Zoltán Czibor và Sándor Kocsis. Cùng với họ, Puskas đã giúp CLB giành được 5 chức vô địch quốc gia. Ngoài ra, ông còn giành 4 danh hiệu vua phá lưới ở các mùa bóng 1947-48, 1949-50, 1950-1951 và 1952-1953 (với số bàn lần lượt là 50, 31, 25, và 27). Nếu chỉ tính mùa bóng 1947-1948, Puskas là cầu thủ ghi được nhiều bàn thắng nhất tại một giải vô địch quốc gia thuộc châu Âu.

“Đế chế bóng đá Hungary”

Khoác áp đội tuyển quốc gia lần đầu tiên vào ngày 20/8/1945 (khi mới hơn 18 tuổi), Puskas đã khởi đầu sự nghiệp quốc tế vẻ vang của mình bằng cách ghi bàn trong trận đè bẹp Áo 5-2. Từ đây, ông trở thành “cỗ máy dội bom” không thể ngừng lại của đoàn quân được mệnh danh “những phù thủy Magyar”. Tính tổng cộng trong 85 lần khoác áo đội tuyển Hungary, Puskas đã có 84 lần phá lưới đối phương (một kỷ lục nếu xét về tính hiệu quả).

Cùng với Zoltán Czibor, Sándor Kocsis, József Bozsik và Nándor Hidegkuti, chàng thủ quân còn có một biệt danh khác là “người anh nhỏ” đã làm nên một đội tuyển quốc gia mạnh khủng khiếp trong lịch sử với chuỗi 32 trận bất bại liên tiếp. Cho đến nay, đấy vẫn là một kỷ lục hầu như không thể phá vỡ.

Trong hành trình đoạt chiếc HCV Olympic 1952 (có thể coi như chức vô địch thế giới không chính thức vì các nước đều cử đội tuyển quốc gia), Hungary đã đánh bại ứng cử viên nặng ký là Nam Tư, bằng tỷ số 2-0 trong trận chung kết diễn ra tại Helsinki (Phần Lan). Puskas đã ghi 4 bàn ở giải này, trong đó có bàn mở tỷ số trận quyết định tranh huy chương vàng.

Một trong những chiến tích đáng kể nhất của “đế chế Hungary” là đã dạy hai bài học cho đội tuyển Anh, nơi vẫn được xem như quê hương của bóng đá. Trận thứ nhất diễn ra tại Wembley năm 1953, đã kết thúc với tỷ số 6-3 nghiêng về đội khách. Và trong lần quyết phục thù của đoàn quân ba sư tử tổ chức ở Budapest một năm sau, Hungary thậm chí còn thắng thuyết phục hơn: 7-1. Với hai bàn thắng trong mỗi trận, Puskas trở thành nỗi ám ảnh xen lẫn thán phục của người dân xứ sở sương mù. Trong năm 1953, Hungary cũng thêm Cúp “Dr. Gero” – một danh hiệu dành cho các đội tuyển thuộc khu vực Trung Âu. Giải đấu bắt đầu từ năm 1948 và kéo dài suốt 5 năm. Cuối cùng, Hungary đứng đầu với 11 điểm. Puskas kết thúc giải cùng danh hiệu vua phá lưới (10 bàn), trong đó có hai bàn giúp Hungary đoạt Cúp bằng trận thắng Italy 3-0 ngay tại Rome.

Puskas (phải) chúc mừng thủ quân đội tuyển Đức, Fritz Walter (người được lấy tên đặt cho SVĐ của CLB Kaiserslautern) sau trận chung kết World Cup 1954.

Chuỗi 32 trận bất bại của “đế chế Hungary” chỉ bị chấm dứt bởi trận thua 2-3 trước Đức ở chung kết World Cup 1954. Trong trận này, do bị chấn thương từ trước, Puskas đã không đạt phong độ tốt. Mặc dù vậy, đích thân ông đã mở tỷ số ở phút thứ 6. Cách biệt cho Hungary, chỉ khoảng 2 phút sau, tiếp tục được nhân đôi nhờ công Czibor. Tuy nhiên, người Đức đã chứng minh được “tinh thần thép truyền thống” bằng hai bàn gỡ trước giờ nghỉ giải lao. Khi trận đấu chỉ còn 6 phút, “cỗ xe tăng” ấn định tỷ số 3-2. Còn Puskas, cầu thủ hay nhất bên phía đội thất bại, đã kết thúc trận đấu buồn nhất trong sự nghiệp bóng đá của mình bằng bàn thắng không được công nhận ở phút 88.

Bước ngoặt đời cầu thủ

Năm 1956, Honvéd tham dự Cúp C1 và gặp Athletic Bilbao ở vòng đầu tiên. Trong khi để thua 2-3 trên sân khách, thành phố đóng đô của CLB ở quê hương (thủ đô Budapest) đã trở nên hỗn loạn vì bất ổn chính trị.

Sau khi phải “trả giá” vì quyết định chọn sân trung lập Heysel để thi đấu trận lượt về (hòa 3-3 và Honved bị loại bằng kết quả chung cuộc 5-6), các cầu thủ đã không chọn con đường trở về. Họ tập hợp gia đình, bất chấp lệnh cấm của FIFA cũng như liên đoàn bóng đá Hungary, để tổ chức chuyến du đấu vòng quanh thế giới, tới Italy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, và Brazil.

Sau khi trở lại châu Âu, Honved hùng mạnh đã “tan đàn xẻ nghé”. Một số cầu thủ, trong đó có Bozsik, trở về Hungary, trong khi số còn lại bao gồm cả Czibor, Kocsis và Puskás, đã đầu quân cho các CLB Tây Âu. Ở tuổi 29, đời cầu thủ của Puskas tưởng chừng sắp đi xuống bên kia sườn dốc lại bước sang một trang mới vẻ vang hơn.

Real Madrid

Quãng thời gian hòa nhập với cuộc sống mới không thực sự suôn sẻ đối với “thiếu tá siêu tốc”. Sau vài trận thử việc ở Espanyol, Puskas đã bị liên đoàn bóng đá châu Âu cấm thi đấu hai năm vì quyết định từ chối trở về Hungary.

Khoảng thời gian thử thách này thực sự vất vả đối với cầu thủ đã đi quá nửa sự nghiệp. Anh phải lang thang tới Áo, rồi sang Italy – nơi có tin Juve và Milan muốn kiểm chứng tài nghệ của ngôi sao hay nhất Đông Âu.

Nhưng cuối cùng, chẳng biết bằng cách nào và quyết tâm lớn đến đâu, Real Madrid đã dũng cảm ký hợp đồng với lão tướng 31 tuổi. Đó là một tân binh vừa trải qua hai năm tròn không được chơi bóng đỉnh cao nhưng lại là nhân vật chính của một trong những quyết định đúng đắn nhất mà CLB Hoàng gia từng đưa ra.

Puskas (trái) cùng hai siêu sao của Real là Santamaria và Di Stefano.

Trong 8 mùa bóng khoác áo “kền kền trắng”, Puskas đã ghi được 156 bàn trong 180 trận tại La Liga. Về khoản danh hiệu nội địa, ngoài 5 chức vô địch Tây Ban Nha liên tiếp (1961-1965), “thiếu tá siêu tốc” còn sưu tập thêm 4 giải thưởng Pichichi (vua phá lưới) ở các năm 1960, 1961, 1963, 1964 (khi đã 37 tuổi) với số bàn thắng lần lượt là 26, 27, 26 và 20.

Trên đấu trường Cúp C1, tuy gánh nặng tuổi tác đè chặt, nhưng Puskas vẫn kịp chơi 39 trận và ghi được 35 bàn. Đáng kể nhất trong số này là 7 lần lập công bàn ở hai trận chung kết. Đầu tiên là ở mùa bóng 1959/1960, thời điểm ông bùng nổ cùng Di Stefano giúp CLB đè bẹp Frankfurt 7-3 (Puskas 4 bàn, Di Stefano 3 bàn). 3 bàn còn lại được ông ghi trong trận chung kết diễn ra 2 năm sau, khi Real bị Benfica đánh bại với tỷ số 5-3.

Tuy chỉ giành một chiếc Cúp C1 cùng Real nhưng tên tuổi Puskas vĩnh viễn được xếp vào hàng ngũ huyền thoại của CLB này cũng như trong lịch sử bóng đá châu Âu. Trên mặt trận quốc tế, “thiếu tá siêu tốc” còn có 4 lần khoác áo đội tuyển Tây Ban Nha nhưng không ghi được bàn nào. Đó là lúc tuổi tác đã lấy đi của Puskas những tố chất tinh túy nhất.

Sơ lược bảng thành tích đời cầu thủ của Ferenc Puskas

Với đội tuyển Hungary: HCV Olympic 1952, Cúp Dr “Gero”.

Honved Kispest: 5 chức vô địch Hungary

Real Madrid: 5 chức vô địch Tây Ban Nha, 4 giải thưởng Pichichi, 1 Cúp C1, 1 Cúp liên lục địa (năm 1960), 1 Cúp Nhà vua.

Điều đáng tiếc nhất với Puskas: chưa giành được danh hiệu Quả bóng vàng châu Âu, mặc dù ông rất xứng đáng với giải thưởng này.

( Nguồn vnexpress)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

8 + 2 =